Pamu một thương hiệu tai nghe đã gây sốt trên cộng đồng gây quỹ vài năm gần đây với các sản phẩm như Pamu, Pamu Scroll, Pamu Slide và các phiên bản lai khác (Pamu Slide mini, Pamu Unique). Mỗi phiên bản tai nghe True Wireless của Padmate khi gây quỹ trên Indiegogo luôn tạo nên được cơn sốt với số tiền cực kỳ khủng và trở thành tai nghe gây quỹ với số tiền nhiều nhất trên Indiegogo cho đến thời điểm hiện tại.
Mỗi chiếc tai nghe Pamu, Padmate luôn muốn mang đến cho người dùng một những điều đó độc đáo riêng trên từng sản phẩm. Nếu như Pamu scroll có thiết kế cực kỳ nhỏ gọn cùng với cách mở hộp cuộn tròn một cách độc đáo thì ở phiên bản Pamu Slide năm ngoái họ tạo nên một thiết kế mới với cách trượt nắp mở ra cùng với nó là thời pin nghe cực khủng lên đến 10h/lần nghe mà ít tai nghe TWS nào đạt được. Mỗi năm họ lại giới thiệu một sản phẩm mới và sản phẩm tiếp theo đây cũng như vậy, lại một thiết kế mới không giống ai cùng với những cải tiến mới để nâng cao giá trị sản phẩm lên một tầm cao hơn.
Với tên gọi Pamu Quiet - ít nhiều chúng ta cũng hiểu được đặc điểm nổi bật của phiên bản Pamu 2020 này là gì. Tính năng chủ đạo mà họ muốn hướng tới đó là tính năng "Chống ồn chủ động" (Active Noise Cancellation), một tính năng mà hầu như các dòng tai nghe cao cấp đều được trang bị.
Thiết kế
Ở thiết kế mới Pamu đã thay đổi cách mà các phiên bản trước mở hộp, không còn kiểu cuộn tròn của Pamu scroll hay kiểu trượt nắp của Pamu Slide nữa mà thay vào đó là cách mở hộp kiểu vỏ sò. Hay nói chính xác hơn, Padmate muốn mang thiết kế của những chiếc đồng hồ bỏ túi (đồng hồ quả quýt) của những thế kỷ trước lên sản phẩm của mình, có lẽ vì vậy mà họ còn tặng kèm theo cả dây treo cho "chiếc đồng hồ bỏ túi" này nữa.
Chỉ với thao tác nhấn nhẹ trên nút "công tắc" ở trên đỉnh là nó sẽ từ từ mở ra giống như cách mấy người xưa hay xem đồng hồ vậy.
Mặt trước của sản phẩm được làm bằng chất liệu da, trong khi mặt sau thì là vỏ nhựa giả da.
Còn hai bên hông được gia cố thêm khung bằng hợp kim nhôm để hộp sạc thêm phần chắc chắn với một lớp sơn đen nhám phủ lên, đây cũng là nơi để đặt cổng USB-C cho sạc. Theo mình thấy lớp sơn đen phủ này ít nhiều sẽ dễ bị trầy xước theo thời gian. Nhìn chiếc "đồng hồ quả quít" mang hơi hướng khá là cổ điển mà không kém phần hiện đại.
Nếu so sánh kích thước của hộp sạc của Pamu Quiet với các tai nghe TWS khác có thể thấy nó vẫn rất to, không gọn để nhét túi quần cho lắm.
Có lẽ hiểu được tâm lý người dùng hay dùng case bảo vệ mà lần này họ đã tặng luôn cho một cái vỏ da để đựng hộp sạc.
Ở mặt trước của hộp sạc đèn led để báo hiệu pin cho hộp sạc được thiết kế rất là tinh tế khi nó tận dụng chính đường viền tròn trang trí của mặt trước để làm đèn tín hiệu báo hiệu pin cho hộp sạc. Khi bỏ tai nghe vào hộp sạc đèn tín hiệu pin cũng chính là nửa vòng tròn phía trên sẽ sáng đèn.
Có một điểm trừ cho thiết kế khi đặt tai nghe trong hộp sạc đó chính là bạn sẽ khôn thể hay rất khó khăn để nhìn thấy được đèn tín hiệu của tai nghe sáng khi bỏ trong hộp sạc. Điều này khiến chúng ta không nhận biết được khi nào tai nghe đầy trừ khi phải lấy 1 tai nghe ra xem hoặc phải "nghía" thật kỹ mới thấy được đèn báo đó.
Về phần thiết kế housing, cũng giống như các phiên bản Pamu TWS trước đây họ vẫn sử dụng thiết kế kiểu in-ear, tuy nhiên thiết kế lần này housing làm nhỏ hơn so với phiên bản Slide thậm chí trọng lượng còn nhẹ hơn rất nhiều, cụ thể Slide 7.1g, Airpod Pro 5.4g, Pamu Quiet chỉ 5.1g . Thiết kế của housing lần này mang hơi hướng như thiết kế của Airpod Pro, phần mút tai nghe không đi sâu quá vào ống tai chính vì vậy nó hạn chế phần nào được "hiệu ứng ống tai". Giúp bạn có thể đeo thoải mái hơn trong thời gian dài mà không cảm thấy khó chịu, một phần nữa chính vì trọng lượng tai nghe nhẹ hơn rất nhiều so với các phiên bản trước cảm giác cũng sẽ dễ chịu hơn.
Thời lượng pin
Nếu như phiên bản Slide có thể khiến bạn cảm thấy ấn tượng với thời lượng pin "khủng" lên đến 10h/lần nghe thì ở phiên bản Pamu Quiet này bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng. Thời lượng pin của nó chỉ đạt được khoảng 3.5h/lần nghe, nếu kích hoạt chức năng Chống ồn chủ đông (ANC) thì chỉ còn khoảng 3h15p/lần nghe mà thôi. Nếu sử dụng đi kèm với hộp sạc thì thêm được 2 lần nghe nữa tổng cộng thời gian chỉ có thể là 10.5h. Có lẽ họ đã đánh đổi trọng lượng cũng như thiết kế mới của housing nên thời lượng pin bị giảm đi đáng kể như vậy.
Với thiết kế hộp sạc mới, Padmate cũng đã loại bỏ đi chức năng sạc không dây ngược trên hộp sạc thay vào đó là chế độ sạc không dây thông thường như các hộp sạc khác ngoài thị trường bên cạnh việc sạc trực tiếp bằng cổng usb-c.
Chống ồn chủ động
Đúng như tên gọi của nó "Pamu Quiet" - Pamu lặng yên. Pamu Quiet nhấn mạnh khả năng Chống ồn chủ động (ANC) trên phiên bản mới nhất này. Nó sẽ là chiếc tai nghe TWS đầu tiên của Pamu được trang bị tính năng cao cấp này. Cùng với thiết kế đồng hồ quả quýt, Pamu Quiet như muốn người nghe hãy cùng lắng đọng lại cùng lắng nghe thời gian trôi trong một không thật tĩnh lặng để thưởng thức bản những nhạc yêu thích một cách trọng vẹn nhất có thể.
Theo mặc định bạn có thể dễ dàng kích hoạt chế động Chống ồn chủ động (ANC) và Transparency (nghe thấy âm thanh bên trong và ngoài tai nghe) chỉ với thao tác Nhấn & Giữ trên tai nghe. Khi ANC được kích hoạt mọi âm thanh tạp âm như tiếng quạt, tiếng xe cộ chạy, tiếng rang cà phê, tiếng máy lạnh,...đều bị triệt tiêu hết chỉ để lại cho bạn một không gian tĩnh lặng cùng với tiếng người nói xung quanh khá nhỏ nếu bạn muốn nói chuyện với ai đó. Còn khi bạn đi xe máy ngoài đường thì có thể mở lại chế độ Transparency để nghe rõ mọi âm thanh xung quanh đảm bảo an toàn khi lái xe.
Bằng việc kết hợp với 2 Mic chống ồn: 1 cái ở mặt ngoài và 1 ở gần sát màng loa nghe. Giúp mọi âm thanh có thể triệt tiêu hiệu quả khi chế độ ANC được kích hoạt, theo như nsx công bố nó có thể triệt tiêu tiếng ồn lên đến 40dB.
Vậy nếu so chế độ Chống ồn chủ động của Pamu Quiet và Airpod Prod thì sao? Theo như cảm nhận cá nhân thì Pamu Quiet đã làm khá tốt chức ANC của mình khi mọi âm thanh đặc biệt các dải low và mid được triệt tiêu rất tốt giúp bạn có một không gian thật tĩnh lặng để thưởng thức nhạc. Tuy nhiên nếu so với Airpod Pro thì mình cảm thấy rằng chưa bằng, chỉ được 9/10 so với Airpod pro mà thôi, khi ANC được kích hoạt trên Pamu Quiet mình cảm giác áp suất trên lỗ tai nghe không được thoải mái như khi đeo Airpod Pro.
Ngoài ra, ANC trên Pamu Quiet khi tắt/mở cũng không có tín hiệu phản hồi khiến mình rất khó nhận biết được khi nào nó đang hoạt động trừ khi bạn tắt nhạc hoàn toàn. Còn đối với Airpod, nó sẽ luôn có những phản hồi âm thanh trên tai nghe như "tíng ting" khi bật/mở hoặc nếu có nghe nhạc thì nó cũng tự động giảm âm lượng xuống một ít cho bạn biết bạn đang bật/mở nó.
App Pamu Quiet đi kèm
Một điểm mà Pamu Quiet đã làm rất tốt hơn nhiều so với Airpod Pro đó chính là nó đã hỗ trợ App đi kèm giúp bạn có thể tùy biến rất nhiều thứ. Trên app Pamu Quiet, bạn có thể tắt/mở ANC, cập nhật Firmware để fix lỗi hoặc tùy biến được nhiều thao tác điều khiển chạm trên tai nghe để chọn cái bạn hay xài nhất.
Đối với tùy biến điều khiển chạm nó mới chỉ cho tùy biến thao tác Double click (2 chạm) và Press & Hold (Nhấn giữ). Chính vậy mà đôi khi sử dụng bạn sẽ phải hy sinh đinh một số thao tác chẳng hạn như nếu muốn có thao tác Tăng & Giảm âm lượng bạn phải bỏ đi các thao tác khác trên tai nghe. Nếu app mà có hỗ trợ thêm thao tác Triple Tap (Chạm 3 lần) nữa thì sẽ hoàn hảo hơn để không phải hy sinh thao tác nào.
Thêm một điểm rất thú vị trên phiên bản Pamu Quiet lần này đó là bạn đã có thể sử dụng Chế độ tai đơn độc lập hoàn toàn mà không còn phụ thuộc vào Tai chính nữa. Ở các phiên bản trước, khi kết nó sẽ luôn có một tai chính (Master) và tai phụ (Slave), tai chính sẽ kết nối trước sau đó tai phụ sẽ pair với tai chính và kết nối sau. Tuy nhiên với cách kết nối này nếu bạn lỡ làm mất đi tai chính, mà tai nghe "lỡ" nhấn nút quên thiết bị để ngắt kết nối tai nghe hoàn toàn thì lần sau tai nghe phụ sẽ không thể kết nối vào máy được nữa. Nhờ có app Pamu Quiet này mà tai nghe phụ giờ đây có thể "tự thân vận động" mà không cần phải thông qua tai nghe chính dù có mất mát bạn cũng không cần phải lo.
Đối với ứng dụng đi kèm này, mình mong rằng họ có thêm chức năng EQ (Equalization) giống như một số tai nghe khác để người dùng có thể tùy chỉnh các dải âm thanh theo ý thích tùy theo gu âm nhạc hay thể loại âm nhạc mà họ đang nghe sẽ càng tuyệt vời hơn.
Chất lượng âm thanh & đàm thoại
Ở phiên bản lần này Pamu Quiet đã nâng cấp từ con chip Qualcom QCC3020 ở phiên bản trước lên con chip cao cấp và tiết kiệm điện năng hơn là QCC5124 cùng với công nghệ chống ồn chủ động AMS3460. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua chất lượng âm thanh mà nó mang lại. Cũng giống như phiên bản Slide trước, âm sắc chủ đạo của Pamu chính là dải âm low (âm bass) chơi rất đã tai, chắc và mạnh. Chính vì điều này mà khiến cho các dải âm high và mid trên phiên bản Slide bị lấn át quá nhiều, nhưng ở phiên bản Quiet lần này 2 dải âm đó đã được Padmate làm sáng và rõ nét hơn để cả 3 dải có thể hòa quyện với nhau tạo nên một chất âm bắt tai hơn trên dòng tai nghe này.
Với con chip QCC5124 hỗ trợ tốt các loại codec âm thanh như aptX, SBC, AAC chính vậy những ai sử dụng các thiết bị Android sẽ tận dụng hiệu quả chất lượng âm thanh mà con chip QCC5124 này mang lại. Tuy nhiên nếu các bạn đang sử dụng một thiết bị iOS thì hơi bị thiệt thòi chút. Theo đánh giá cá nhân của mình khi sử dụng Pamu Quiet và Airpod Pro trên iPhone thì mình vẫn thích chất âm của Airpod Pro hơn khi nó vẫn chơi rất sáng hai dải high (treble) và mid (tiếng hát ca sĩ) đặc trưng vốn có của nó thậm chí còn tốt hơn cả khi nghe trên Pamu Quiet nhưng ngược lại dải Bass của Airpod lại yếu không mạnh mẽ như trên Pamu Quiet. Ngay bản thân mình một người chuyên xài Android nhưng khi nghe Pamu Quiet trên iPhone sẽ vẫn thích chất âm của Airpod pro hơn khi có cảm giác nó "nịnh" tai người nghe hơn trên các dải với thế mạnh của nó.
Về chất lượng đàm thoại thì ở phiên này, Padmate đã sử dụng công nghệ chống ồn CVC 8.0 của Qualcom khi có thêm một mic chống ồn năm ngay sát mic đàm thoại. Điều này giúp triệt tiêu các tạp âm thanh bên ngoài hiệu quả hơn so với phiên bản trước. Tuy nhiên do thiết kế của Mic chống ồn vẫn ở vị trí rất nhạy cảm. Đặc biệt những ai mà đi xe máy thì ở vị trí mic đàm thoại như vậy là nơi lý tưởng để hướng trọn hướng gió vào mic, nên khi đi xe máy 40km trở lên thì chất lượng âm thanh sẽ không được đảm bảo như bạn đứng im, đi bộ hay đi bằng xe hơi.
Thêm một điểm khác biệt nữa của Pamu Quiet so với Pamu Slide khi màng loa của nó được thiết kế to hơn nhiều so với người tiền nhiệm trước nên âm thanh cũng được truyền tải to rõ hơn